Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 1640
  • Trong tuần: 7513
  • Tất cả: 1931886
Tín đồ Hồi giáo Islam Ninh Thuận: Vừa giữ đạo, vừa phát triển đạo
VOV.VN - Mở rộng cơ sở thờ tự, gia tăng số lượng tín đồ, đồng bào theo đạo ở Ninh Thuận, trong đó có cộng đồng Hồi giáo Islam được tạo điều kiện để tự do bày tỏ đức tin.

Nằm ở dải đất ven viển Nam Trung Bộ, Ninh Thuận là địa phương có sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo. Trong đó, cộng đồng người Chăm với khoảng 12% dân số gồm 3 tôn giáo chính là Ấn Độ giáo (thường được gọi là Bàlamôn giáo), Bàni và Islam. Islam là Hồi giáo chính thống. Đạo Bàni là sự kết hợp giữa Islam chính thống với tín ngưỡng bản địa.

Hồi giáo Islam ở Ninh Thuận có hơn 3000 tín đồ, sinh hoạt tại 4 ngôi thánh đường trên địa bàn tỉnh, tập trung ở 2 huyện Thuận Nam và Ninh Hải. Cũng giống như các tôn giáo khác, Hồi giáo Islam những năm qua đã được địa phương quan tâm để vừa giữ đạo, vừa phát triển đạo. 

thanh_duong_104.jpg

Thánh đường 104 nằm ven đường quốc lộ 1A, là 1 trong 2 ngôi thánh đường hồi giáo Islam trên địa bàn xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Đây là nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung của hơn 340 tín đồ hồi giáo trên địa bàn xã.

Ngôi thánh đường khang trang này có diện tích hơn 1.230m2, vừa được khánh thành sau gần nửa năm tu bổ với tổng kinh phí hơn 560 triệu đồng từ các nguồn tài trợ và do nhân dân đóng góp. Đây là lần thứ 2 thánh đường 104 được sửa chữa và mở rộng kể từ khi xây dựng năm 1968 đến nay.

“Trước kia, thánh đường thấp hơn đường quốc lộ nên cứ hễ mưa là ngập, nơi sinh hoạt tôn giáo cũng chật chội lắm. Rồi chúng tôi mua thêm đất, vận động tài trợ để mở mang ngôi thánh đường này. Giờ thì yên tâm hành đạo rồi” – một chức sắc trong Ban hành giáo, thánh đường 104 cho biết.

Đầu năm 1960, hồi giáo Islam bắt đầu có mặt ở Ninh Thuận. Tại thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam – nơi có Thánh đường 104, số tín đồ đã tăng lên đáng kể. Ban đầu có 12 hộ, sau giải phóng thì tăng lên 60 hộ và hiện nay có 93 hộ, hơn 340 người.

“Chúng tôi cũng giống như cộng đồng Hồi giáo Islam trên thế giới, hàng ngày, Ban hành giáo sẽ có 5 lần hành lễ tại Thánh đường. Riêng ngày thứ Sáu thì có buổi thuyết giảng tập trung. Bà con trong thôn bận việc đồng áng thì có thể  hành lễ tại nơi lao động, sản xuất. Mỗi năm chúng tôi có 1 tháng ăn chay Ramadan. Kết thúc tháng ăn chay thì sẽ đến ngày Tết của người Hồi giáo. Một năm có 2 ngày lễ lớn” – ông Nguyễn Đăng Cường, Ban hành giáo Thánh đường 104 cho hay.

Nhớ lại những dịp lễ tết của đồng bào Chăm theo Hồi giáo Islam, bà Hứa Thị Ro Piáh ở thôn Văn Lâm 4 rất phấn khởi: “Tháng ăn chay Ramadan của chúng tôi rất vui, nhộn nhịp. Thánh đường sáng đèn suốt đêm. Chúng tôi ăn từ 4h sáng, nhịn ăn, nhịn uống cả ngày, tới 6h chiều mới xả chay. Lúc xả chay thì uống nước sinh tố hay nước lọc”.  

Quá trình phát triển đạo, sữa chữa nơi thờ tự, những tín đồ hồi giáo Islam ở đây không gặp trở ngại gì. Họ nhận được sự trợ giúp của chính quyền địa phương, kể cả việc hóa giải những khúc mắc. Đặc biệt, trong dịp Tết Ramưwan (tháng 9 lịch Hồi giáo, thường là tháng 2-3 dương lịch), chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã đều đến thăm hỏi, tặng quà.

“Chúng tôi cũng rất tự hào, người hồi giáo Islam của Ninh Thuận đã tham gia chính quyền các cấp. Đạo của chúng tôi có thể cho lấy nhiều vợ nhưng sống ở Việt Nam, chúng tôi tuân thủ luật pháp Việt Nam, mỗi người chỉ lấy 1 vợ thôi” – một đại diện Ban hành giáo Thánh đường 104 cho biết.

Hiện, trên địa bàn xã Phước Nam, huyện Thuận Nam có gần 1480 tín đồ hồi giáo Islam, chiếm gần 1 nửa số tín đồ hồi giáo Islam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ông Phú Văn Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam cho biết: Xã có 2 Thánh đường 101 và 104. Các tôn giáo sinh hoạt bình đẳng, chấp hành rất tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

“Ở đây chưa từng xảy ra một vụ việc nào xích míc giữa các dân tộc, tôn giáo. Bà con có đạo còn vận động quyên góp giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã. Trong đợt Covid vừa rồi, họ vận động tài trợ cho các hộ cách ly, cho tất cả bà con. Tuy ít nhưng rất ý nghĩa”- ông Điệp nói.

Cũng theo lãnh đạo xã Phước Nam, 2 thánh đường trên địa bàn xã thường xuyên mở rộng diện tích. Trước kia, thánh đường 104 rất nhỏ, còn bây giờ, rất khang trang, đẹp đẽ. Khi mở rộng thánh đường, ban hành giáo có văn bản gửi các cấp chính quyền và sau khi được phê duyệt, họ tiến hành sửa chữa.

“Hiện nay, trong cơ quan lãnh đạo xã, những người Hồi giáo Islam cũng tham gia bộ máy lãnh đạo. Trong 6 chức danh chủ chốt của xã thì 4 người có đạo. Chẳng hạn như Phó Chủ tịch HĐND xã là người Hồi giáo Islam, ngay bản thân tôi theo đạo Bàlamôn. Dù có đạo gì thì chúng tôi cũng là người địa phương, mong muốn cống hiến để địa phương phát triển” – Phó Chủ tịch xã Phước Nam chia sẻ.    

Tháng 3 năm 2011, chính tại thánh đường 104, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ ra mắt Ban đại diện lâm thời cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Ninh Thuận.

Việc ra mắt Ban đại diện lâm thời cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Ninh Thuận là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với các tín đồ theo đạo. Đó chính là cơ hội để họ được tự do sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật, qua đó cùng với các tín đồ tôn giáo khác tham gia giải quyết các hoạt động tín ngưỡng, cùng đoàn kết, xây dựng quê hương, đất nước, sống tốt đời đẹp đạo.

Ông Thành Thanh Tâm – Trưởng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam Ninh Thuận cho biết: “Tôn giáo nào cũng có mục tiêu tốt đời đẹp đạo. Chúng tôi xác định, mỗi công dân ngoan đạo phải là công dân tốt. Các chức sắc, chức việc và bà con tín đồ tự do thực hiện các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo theo đúng quy định pháp luật”.

Đến các khu dân cư vùng đồng bào Chăm theo Hồi giáo Islam, kinh tế nông nghiệp phát triển, diện mạo nông thôn mới khởi sắc. Hệ thống giao thông thôn xóm được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cùng người dân đóng góp bê tông khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại vận chuyển nông sản, hàng hóa. Cộng đồng Hồi giáo Islam thực hiện tinh thần “tương thân, tương ái” giúp nhau thoát nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong các vùng dân cư Hồi giáo Islam hiện còn khoảng 2%.

Ông Nguyễn Tấn Thuyên – Trưởng phòng Tôn giáo Sở Nội vụ Ninh Thuận cho biết: “Việc sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh, họ được tự do bày tỏ đức tin của mình tại các cơ sở thờ tự cũng như tại gia đình, không có hạn chế nào cả”./.

https://vov.vn/xa-hoi/tin-do-hoi-giao-islam-ninh-thuan-vua-giu-dao-vua-phat-trien-dao-post984612.vov