Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 95
  • Hôm nay: 1162
  • Trong tuần: 7035
  • Tất cả: 1931408
VAI TRÒ CỦA HẬU PHƯƠNG MIỀN BẮC TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ, CỨU NƯỚC (1954 – 1975)
Sau Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương, do âm mưu và những hành động phá hoại Hiệp định Geneve của Mĩ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ ở Đông Dương.

Người thực hiện: Võ Đức An 

Sau Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương, do âm mưu và những hành động phá hoại Hiệp định Geneve của Mĩ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ ở Đông Dương.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình nước ta – tạm thời bị chia cắt thành 2 miền với 2 chế độ chính trị khác nhau, Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra cho mỗi miền những chiến lược cách mạng khác nhau, phù hợp với từng miền:

- Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng miền Bắc là khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; tiến hành công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho miền Bắc vững mạnh, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam và là căn cứ địa cách mạng của cả nước.

- Miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đánh đổ ách thống trị của Mĩ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (9/1960) xác định cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của cách mạng cả nước. Vai trò này được thể hiện ở các nội dung sau:

- Miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam: 

+ Miền Bắc chi viện cho miền Nam bằng tuyến đường vận chuyển chiến lược Bắc – Nam mang tên Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển bắt đầu được khai thông từ năm 1959, dài hàng nghìn km.

+ Khẩu hiệu của miền Bắc là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…

+ Trong 5 năm (1961 – 1965), một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, thuốc men… được chuyển vào chiến trường. Ngày càng có nhiều đơn vị vũ trang, cán bộ quân sự và cán bộ các ngành được đưa vào miền Nam tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng vùng giải phóng. Sự chi viện của miền Bắc trong thời gian này là nhân tố quyết định đến thắng lợi của nhân dân miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ.

+ Trong 4 năm (1965 – 1968), miền Bắc đã đưa vào miền Nam hơn 30 vạn cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng vùng giải phóng cùng hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men… Tính chung, trong 4 năm, sức người, sức của từ miền Bắc chuyển vào chiến trường miền Nam tăng gấp 10 lần so với giai đoạn trước.

+ Trong thời gian Mĩ ngừng ném bom sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và cả trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai, miền Bắc đã khắc phục kịp thời hậu quả của những trận đánh phá khốc liệt, vượt qua những cuộc bao vây phong toả gắt gao của địch, bảo đảm tiếp nhận tốt hàng viện trợ từ bên ngoài và tiếp tục chi viện theo yêu cầu của chiến trường miền Nam, cũng như làm nghĩa vụ quốc tế đối với chiến trường Lào và Campuchia.

+ Trong 3 năm (1969 – 1971), hàng chục vạn thanh niên miền Bắc được gọi nhập ngũ, trong số đó có 60% lên đường bổ sung cho các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Khối lượng vật chất đưa vào các chiến trường tăng gấp 1,6 lần so với 3 năm trước đó.

+ Riêng năm 1972, miền Bắc đã động viên hơn 22 vạn thanh niên bổ sung cho lực lượng vũ trang, đưa vào chiến trường 3 nước Đông Dương nhiều đơn vị bộ đội được huấn luyện, trang bị đầy đủ; còn khối lượng vật chất đưa vào chiến trường tăng gấp 1,7 lần so với năm 1971.

+ Trong hai năm 1973 – 1974, miền Bắc đưa vào chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia gần 20 vạn bộ đội, hàng vạn thanh niên xung phong, cán bộ chuyên môn, nhân viên kĩ thuật. Đột xuất trong năm 1975, miền Bắc đưa vào miền Nam 57.000 bộ đội. Về vật chất – kĩ thuật, miền Bấc có nỗ lực phi thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu to lớn và cấp bách của cuộc tổng tiến công chiến lược ở miền Nam. Từ đầu mùa khô 1973 – 1974 đến đầu mùa khô 1974 – 1975, miền Bắc đưa vào chiến trường hơn 26 vạn tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, thuốc men, lương thực, thực phẩm.

→ Nguồn chi viện cùng với thắng lợi trong chiến đấu và sản xuất của quân dân miền Bắc đã góp phần quyết định vào thắng lợi của quân dân miền Nam trong cuộc chiến đấu đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của Mĩ và giải phóng hoàn toàn miền Nam.

- Miền Bắc còn làm nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia, thường xuyên chi viện sức người, sức của cho chiến trường hai nước bạn; góp phần củng cố và tăng cường khối đoàn kết ba dân tộc ở Đông Dương trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Khối liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung đã tạo ra một nhân tố quan trọng để đưa đến thắng lợi của mỗi nước trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

- Không chỉ là hậu phương, miền Bắc còn là chiến trường trực tiếp đánh Mĩ. Quân dân miền Bắc đã chiến đấu, đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mĩ, đặc biệt làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mĩ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972. Chiến thắng của quân dân miền Bắc trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, góp phần đập tan ý chí xâm lược của Mĩ, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán và kí Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

- Những thành tựu của miền Bắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng với uy tín của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nguồn động viên về tinh thần to lớn đối với nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.